NÔNG SẢN
Ngô
– Kết thúc tuần giao dịch 22/05- 28/05, giá ngô đã bất ngờ đảo chiều, nhảy vọt tới gần 9% lên trên vùng tâm lí 600. Đây cũng là tuần ghi nhận mức tăng cao nhất của mặt hàng này trong vòng 10 tháng qua. Thị trường hồi phục mạnh mẽ trở lại do lo ngại dần gia tăng về nguồn cung khi mùa vụ Mỹ đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm của mùa hè.
– Cụ thể, dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy thời tiết nóng và khô ráo sẽ bao trùm trên hầu hết khu vực Midwest trong 2 tuần tới. Vụ ngô của Mỹ đã sắp hoàn thành giai đoạn gieo trồng và khung thời tiết này có thể gây ra căng thẳng đối với cây trồng, hạn chế quá trình nảy mầm. Những lo ngại về năng suất ngô Mỹ niên vụ 23/24 có thể sụt giảm do thời tiết bất lợi đã thúc đẩy giá ngô tăng vọt 5 phiên liên tiếp.
– Thông tin trên cũng làm gia tăng rủi ro về nguồn cung toàn cầu và hỗ trợ giá. Tuy nhiên, trong tuần này, đà hồi phục có thể sẽ hạn chế hơn và giá ngô khả năng sẽ chỉ giằng co đi ngang quanh vùng 600.
Lúa mỳ
– Mặc dù nguồn cung cũng chính là lí do dẫn tới việc lực mua áp đảo trên thị trường lúa mì nhưng giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng thấp hơn so với ngô
– Moscow đã báo hiệu rằng nếu các yêu cầu cải thiện xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được đáp ứng, Nga sẽ không gia hạn thỏa thuận biển Đen sau ngày 17/07. Động thái cảnh báo trên của Nga gây ra lo ngại thoả thuận có thể kết thúc trong tương lai và hỗ trợ giá lúa mì. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng lúa mỳ của Mỹ giảm về mức âm đã hạn chế đà tăng của giá. Bước sang tuần mới, giá lúa mỳ có thể hồi phục lại vùng 650 do lo ngại về chất lượng mùa vụ tại Mỹ và Australia.
Đậu tương
– Khép lại tuần giao dịch kết thúc vào ngày 26/05, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 07 đã ghi nhận mức tăng hơn 2%. Mặc dù thị trường trong tuần trước diễn biến tương đối giằng co, tuy nhiên, phe mua đã có phần chiếm ưu thế với 4 trên 5 phiên tăng giá. Một số triển vọng tích cực về nhu cầu đối với đậu tương Mỹ từ Trung Quốc là yếu tố đã hỗ trợ đậu tương trong tuần vừa rồi.
– Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 5,3 triệu tấn đậu tương từ Brazil, thấp hơn 16% so với mức 6,3 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra các chuyến hàng vào tháng trước đã khiến nhập khẩu của nước này bị ảnh hưởng.
– Bên cạnh đó, tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia tại công ty tư vấn Soybean&Corn, cho biết thời tiết hiện tại tiếp tục trở nên tồi tệ hơn đối với vụ đậu tương của Argentina, với năng suất rất đáng thất vọng. Ông đã hạ ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Argentina xuống mức 22 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với dự đoán trước do năng suất kém và 2 triệu héc-ta bị bỏ hoang. Điều này tiếp tục khiến thị trường lo ngại về nguồn cung trong niên vụ hiện tại của Argentina.
KIM LOẠI
– Kết thúc tuần giao dịch 22/05 – 28/05, các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn đầu đà giảm khi giảm mạnh 4,43% xuống 1.028,1 USD/ounce, đánh dầu tuần giảm thứ hai liên tiếp của bạch kim, trong khi giá bạc giảm tuần thứ ba liên tiếp từ 2,91% về 23,36 USD/ounce.
– Trong tuần qua, đàm phán nâng tràn nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường. Mặc dù cuộc đàm phán ngày thứ Sáu đã đạt được những tiến triển mới, tuy nhiên các buổi đàm phán trước đó đều không mang lại kết quả khả quan và phải tạm ngừng. Do đó, trong bối cảnh bế tắc về trần nợ, các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng USD với tính trú ẩn và thanh khỏan cao hơn. Điều này khiến vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim có phần thất thế hơn.
– Ngoài ra, dữ liệu lạm phát cao hơn ước tính được công bố vào cuối tuần tiếp tục làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Số ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong phiên họp tháng 6 đã tăng lên 66,5%, tăng vọt so với tỷ lệ 17,5% trong tuần trước. Lo ngại Fed thắt chặt tiền tệ mạnh tay tiếp tục củng cố sức mạnh đồng USD.
NĂNG LƯỢNG
– Kết thúc tuần giao dịch 22/05 – 28/05, dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp. Lo ngại nguồn cung hạn hẹp hơn, trong khi nhu cầu có dấu hiệu khởi sắc khi Mỹ chuẩn bị bước vào mùa tiêu thụ cao điểm đã hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, mức tăng không quá mạnh khi nhiều nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng chờ đợi kết quả cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ.
– Giá dầu WTI tăng 1,37% lên mức 72,67 USD/thùng và dầu Brent tăng 2%, đóng cửa sát mốc 77 USD/thùng.
– Yếu tố cung- cầu cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô. Báo cáo của ElA cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Mỹ tăng mạnh và có thể tiếp tục duy trì trong thời gian tới, khi Kỳ nghi Lễ Tưởng niệm (Memorial Day) và mùa du lịch cao điểm đang đến gần. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh 12,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/05. Tòn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm lần lượt 2,1 triệu thùng và 600,000 thùng.
Bài viết liên quan