NÔNG SẢN
- Khép lại phiên 28/11, thị trường nông sản một lần nữa diễn biến trái chiều, nhưng hầu hết các mặt hàng đều biến động tương đối mạnh. Chỉ có ngô giằng co trong biên độ hẹp chưa tới 7 cents và đóng cửa với mức giảm không đáng kể.
- Ngô – hoạt động gieo trồng ngô vụ 2 của Brazil có thể gặp khó khăn do sự trì hoãn của đậu tương. Giá thấp đang làm giảm mong muốn gieo trồng của nông dân. MB Agro dự báo Brazil có thể thu hoạch 90 triệu tấn ngô vụ 2 trong niên vụ 23/24, với khả năng thiệt hại là 15 triệu tấn. Triển vọng mùa vụ kém khả quan của nước này đã giúp kìm hãm đà giảm của giá CBOT.
- Lúa mì tăng mạnh ~2%. Sau khi một lần nữa test lại hỗ trợ 558, lúa mì đã nhận được lực mua kỹ thuật tại vùng này, giúp giá quay đầu tăng trở lại. Cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) – mưa rào liên tục ở Tây Âu tháng 10 làm gián đoạn việc trồng ngũ cốc vụ đông, trong khi tình trạng khô hạn kéo dài ở phía đông nam cũng trì hoãn công việc thực địa. Những lo ngại về tình hình mùa vụ tại châu Âu cũng góp phần tác động “bullish” đến giá.
- Đậu tương hồi phục 1,26%, chấm dứt chuỗi 3 phiên suy yếu liên tiếp. Mỹ bán được đơn hàng 123.300 tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho một nước giấu tên, phản ảnh nhu cầu quốc tế đối vẫn tốt, tác động “bullish” đến giá.
- Lo ngại gia tăng về triển vọng mùa vụ ở Brazil hỗ trợ giá. Công ty tư vấn MB Agro dự báo, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 đạt ~155 triệu tấn, giảm so với dự kiến. Trong kịch bản xấu nhất, con số này có thể chỉ đạt 138 triệu tấn do nắng nóng gay gắt ở miền trung tây Brazil. Với nguồn cung được dự báo thắt chặt hơn, MB Agro cho rằng Brazil có thể xuất khẩu 96 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, thấp hơn mức 100 triệu tấn dự kiến trước.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp khi nguồn cung tại Kazakhstan bị ảnh hưởng nặng nề do bão đổ bộ vào Biển Đen, khu vực quá cảnh cho việc xuất khẩu dầu thô của nước này. Tâm lý cho ngại về kế hoạch thay đổi hạn ngạch sản xuất trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) cũng hỗ trợ cho giá.
- Dầu WTI tăng 2,07%, đạt mức 76,41 USD. Dầu Brent tăng 2,13% lên mức 81,68 USD/thùng.
- Việc vận chuyển dầu thô tại các cảng Biển Đen tạm dừng do bão, ảnh hưởng đến kho cảng dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) của Nga và hoạt động bốc dỡ hàng tại cảng lớn Novorossiysk. Kazakhstan, quốc gia sử dụng CPC cho hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu thô bằng đường biển, buộc phải cắt giảm sản lượng.
- Kazakhstan là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 9 trên toàn cầu. Các mỏ dầu lớn nhất của quốc gia này đang cắt giảm 56% tổng sản lượng dầu hàng ngày kể từ 29/11, dự kiến duy trì đến hết 3/12. Bộ năng lượng Kazakhstan dự đoán sản lượng dầu tháng 11, không bao gồm khí ngưng tụ, ở mức 1,59 triệu thùng/ngày và sản lượng tháng 12 ở mức 1,67 triệu thùng/ngày, giảm so với kế hoạch trước đó lần lượt là 1,61 triệu và 1,60 triệu thùng/ngày, vẫn cao hơn hạn ngạch.
- Lo ngại nguồn cung gián đoạn đẩy giá dầu tăng cao, bên cạnh sự không chắc chắn về kế hoạch của OPEC+ trước thềm cuộc họp trực tuyến 30/11. Các cuộc đàm phán về chính sách dầu mỏ đang gặp khó khăn, khiến cuộc họp có thể bị trì hoãn thêm.
- Chiến lược gia năng lượng tại Macquarie lưu ý rằng trọng tâm chính của thị trường xoay quanh việc tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng mỗi ngày của Saudi Arabia. Việc gia hạn kế hoạch này sang quý II, quý III 2024 sẽ hỗ trợ mạnh cho giá.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Đồng USD suy yếu, hỗ trợ cho giá các mặt hàng. Bạc tăng phiên thứ 3 liên tiếp, chốt phiên tại 24,93 USD/ounce nhờ tăng 1,03%. Bạch kim phục hồi 2,92%, đóng cửa tại mức 950,2 USD/ounce.
- Chỉ số Dollar Index giảm 4 phiên liên tiếp và neo ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại. Dư địa tăng của đồng USD ngày càng bị thu hẹp khi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất năm 2024.
- Một số quan chức FED có phát biểu “ôn hòa” hôm qua. Thống đốc FED Christopher Waller cho rằng FED có thể hạ lãi suất trong những tháng tới nếu lạm phát tiếp tục giảm, mức lãi suất chính sách hiện tại của FED đủ khả năng để giảm lạm phát xuống 2%.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX phục hồi 1,12% lên 3,8 USD/pound, đã biến động khá mạnh khi lực bán áp đảo phiên sáng. Tâm lý bi quan bao trùm trên thị trường sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tiêu cực. Lo ngại nguồn cung bị đẩy lên cao đã củng cố lực mua đồng phiên tối và giúp giá kết phiên tăng mạnh.
- Tòa án tối cao Panama tuyên bố hợp đồng khai thác mỏ Cobre Panama của công ty First Quantum vi phạm hiến pháp, làm dấy lên lo ngại rằng những rắc rối liên quan đến hợp đồng có thể khiến việc khai thác tại mỏ Cobre bị đình trệ trong một thời gian dài. Mỏ này đóng góp ~1,5% vào tổng sản lượng đồng toàn cầu và ~5% tổng GDP của Panama.
- Một công đoàn đại diện cho 50% số công nhân làm việc tại mỏ Las Bambas, một trong những mỏ đồng lớn nhất Peru, đình công vô thời hạn, sẽ khiến hoạt động khai thác đồng tại Peru bị gián đoạn và làm gia tăng rủi ro nguồn cung bị thu hẹp.
- Quặng sắt chịu sức ép khi chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát và can thiệp vào thị trường để kiềm chế đà tăng giá. Quặng sắt giảm 2,93% so với mức tham chiếu, đóng cửa tại 128,8 USD/tấn, mức thấp nhất trong 1 tuần.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan