NÔNG SẢN
Ngô
- Khép lại phiên đầu tuần, sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng giá nông sản với ⅘ mặt hàng đồng loạt đóng cửa với mức sụt giảm mạnh hơn 1%.
- Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (Conab): lượng mưa liên tục và cao hợn trung bình ở hầu hết các vùng nông nghiệp của nước này trong ba tuần đầu tháng 1 đã góp phần phục hồi và bổ sung độ ẩm đất. Theo hãng tư vấn AgRural, nông dân Brazil đã gieo trồng 11% diện tích ngô vụ 2, nhanh hơn mức 5% cùng kỳ năm ngoái, trong khi tiến độ thu hoạch đậu tương cũng cao hơn đáng kể so với một năm trước, nhờ lượng mưa trong tuần qua giúp cải thiện độ ẩm đất ở một số bang sản xuất chính. Trong bối cảnh khí hậu ở Argentina vẫn chưa đáng lo ngại, mùa vụ ngô và đậu tương vẫn tiến triển tương đối ổn định ở Brazil là nguyên nhân chính thúc đẩy lực bán đối với các mặt hàng này.
- Báo cáo Export Inspections cho biết, giao hàng ngô trong tuần 19 – 25/1 đạt 901.958 tấn. Mặc dù ghi nhận sự cải thiện so với tuần trước đó, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức 1 triệu tấn. Hoạt động xuất khẩu của Mỹ trong thời gian gần đây không ghi nhận kết quả đáng chú ý là nguyên nhân khiến báo cáo tối qua chỉ hỗ trợ nhẹ và hạn chế đà giảm của ngô ở vùng giá 440.
Lúa mì
- Giá giảm mạnh trong phiên đầu tuần trong bối nhu cầu đối với nguồn cung tại Mỹ suy yếu. Cụ thể, báo cáo tối qua thấy, Mỹ chỉ giao 264.666 tấn lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 25/1, giảm đáng kể so với mức 315.186 tấn của tuần trước đó và thấp hơn mức 446.118 tấn cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng nằm dưới khoảng dự đoán là 350.000 – 550.000 tấn đã gây ra nhiều thất vọng cho thị trường.
- Nguồn cung dư thừa ở khu vực biển Đen khiến giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục giảm vào tuần trước, cũng góp phần tạo áp lực đến giá CBOT trong phiên vừa rồi.
Nhóm họ đậu
- Đậu tương lao dốc ở phiên thứ 3 liên tiếp, đẩy giá xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
- Dầu đậu tương giảm mạnh gần 3% vào hôm qua trước sức ép từ diễn biến dầu thô và dầu cọ. Sự bất ổn kinh tế tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thực vật lớn trên thế giới, và triển vọng nguồn cung tốt từ Argentina cũng là những yếu tố đã tạo áp lực lên thị trường.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất trong vòng hai tháng, do khủng hoảng bất động sản Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế, và mức độ tiêu thụ nhiên liệu trong tương lai của quốc gia này. Trong khi đó, nguồn cung tạm thời vẫn chưa gặp gián đoạn quá lớn nào bất chấp căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
- Dầu WTI giảm 1,58% xuống 76,78 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,35% xuống 81,83 USD/thùng.
- Một tòa án ở Hồng Kông hôm thứ Hai đã ra lệnh thanh lý tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group, giáng một đòn mới vào niềm tin thị trường bất động sản mong manh của đất nước này. Lĩnh vực bất động sản vốn đóng góp khoảng gần 20% cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nên kỳ vọng về đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng hạn hẹp hơn. Giá dầu đã gặp áp lực trước thông tin trên, do Trung Quốc vốn là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, với khoảng 24% thị phần.
- Dữ liệu theo dõi tàu của Kpler cho thấy mức độ cắt giảm sản lượng tự nguyện của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang tương đối chậm. Điều này làm dấy lên lo ngại về mức độ tuân thủ cam kết và nguồn cung trên thực tế.
- Kpler ước tính, xuất khẩu từ 7 thành viên hàng đầu OPEC+ tham gia cắt giảm mới đạt trung bình khoảng 15,4 triệu thùng/ngày trong tháng này, hầu như không thay đổi so với tháng 12. Trong đó lượng xuất khẩu của cả nhóm ổn định ở mức khoảng 28,1 triệu thùng/ngày.
- Kuwait và Oman đã cắt giảm xuất khẩu đáng kể trong tháng 1, tuy nhiên Nga, Kazakhstan và Iraq chỉ cắt giảm ở mức khiêm tốn.
- Thêm vào yếu tố gây áp lực cho giá vào cuối ngày, xung đột Hamas – Israel đang có một số tín hiệu ban đầu nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Theo báo cáo từ đài truyền hình Channel 12 của Israel, Israel đã đồng ý ngừng bắn 45 ngày để đổi lấy việc thả 35 người Israel bị giam giữ. Tuy nhiên, phía Hamas vẫn chưa có sự phản hồi.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc và bạch kim đồng loạt tăng nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn an toàn. Cụ thể, giá bạc tăng 1,66% lên 23,25 USD/ounce. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 938,3 USD/ounce, nhờ tăng 1,85%.
- Kim loại quý vốn được coi là hầm trú ẩn an toàn mỗi khi nền kinh tế có biến động. Do vậy, trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang, nhà đầu tư đã phân bổ dòng tiền vào thị trường kim loại quý, hỗ trợ cho giá bạc, bạch kim.
- Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ba quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và ít nhất 34 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân được Iran hậu thuẫn nhằm vào quân đội Mỹ. Đây là cuộc tấn công chết người đầu tiên chống lại lực lượng Mỹ kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10 và đánh dấu sự leo thang lớn trong căng thẳng Trung Đông.
- Trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan rằng lạm phát lõi tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt củng cố cho kịch bản hạ lãi suất, giá kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi khi dư địa tăng của đồng USD không còn nhiều.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX phục hồi 0,7% lên 3,87 USD/pound, đứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp. Giá đồng đã trải qua một phiên biến động khá mạnh.
- Phiên sáng, giá đồng sụt giảm do tâm lý bi quan về lĩnh vực bất động sản, trụ cột kinh tế của Trung Quốc và là phân khúc tiêu thụ một lượng lớn đồng tại nước này. Trong phiên điều trần cuối cùng trước Tòa án Hồng Kông, Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã bị tòa án ra lệnh thanh lý.
- Giá bật tăng trở lại vào phiên tối và kết thúc phiên trong sắc xanh bởi rủi ro nguồn cung thu hẹp. Khảo sát của Reuters cho thấy thị trường đồng dự kiến thâm hụt 24.000 tấn trong năm 2024, trái ngược so với mức thặng dư 302.500 tấn được trong khảo sát tháng 10. Sang năm 2025, thị trường đồng có thể thiếu hụt tới 115.000 tấn.
- Giá quặng sắt trên Sở Singapore cũng phục hồi 0,18% lên 135,55 USD/tấn sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế cải thiện.
- Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức hai con số, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022 trong tháng 12/2023. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng 6,8% trong tháng 12, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021. Điều này đã củng cố cho triển vọng tiêu thụ quặng sắt, kim loại công nghiệp đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất, từ đó hỗ trợ cho giá.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan