NÔNG SẢN
Ngô
- Ngô tháng 12 quay đầu giảm mạnh và đóng cửa với mức giảm tới 1,91%.
- Báo cáo Tiến độ Mùa vụ 29/08: ~ 56% diện tích ngô Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 27/08, giảm 2 điểm phần trăm so với tuần trước đó, cao hơn mức 55% dự đoán, cho thấy tình trạng mùa vụ Mỹ tốt hơn dự kiến, gây áp lực lớn lên giá.
- Dù khô và nóng được dự báo sẽ xuất hiện ở Midwest trong những ngày tới, nhưng được đánh giá chỉ tác động hạn chế, do cây trồng đã qua giai đoạn phát triển quan trọng.
- Sức ép cạnh tranh từ Brazil cũng là yếu tố “bearish” đối với giá ngô. Báo cáo 29/08 của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 9,19 triệu tấn ngô trong tháng 8, giảm so với mức 9,39 triệu tấn ước tính, nhưng vẫn cao hơn so với mức 6,89 triệu tấn cùng kỳ năm 2022, khi nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung dồi dào và rẻ từ Brazil tăng cao.
Lúa mì
- Giá lúa mì tháng 12 có phiên suy yếu thứ 4 liên tiếp với mức giảm 2,67% do sự suy yếu của giá ngô cùng áp lực bán kỹ thuật.
- Theo Báo cáo Crop Progress 29/08, ~ 37% diện tích lúa mì xuân Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 27/08, giảm 1 điểm phần trăm so với tuần trước đó, bằng dự đoán.
Đậu tương
- Giá đã quay đầu suy yếu sau chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tục và đóng cửa giảm 0.98%.
- Báo cáo Crop Progress 29/08, diện tích đậu tương đạt chất lượng tốt – tuyệt vời trong tuần 20-27/08 giảm 1% xuống 58%, phản ánh đúng xu hướng giảm của chất lượng cây trồng nhưng vẫn cao hơn so với dự đoán 56%. Điều này phần nào xoa dịu lo ngại về nguồn cung tại Mỹ, tác động “bearish” nhẹ đến giá trong phiên sáng.
- Sản lượng đậu tương dồi dào từ Brazil, quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới được kỳ vọng sẽ bù đắp nguồn cung thắt chặt tại Mỹ, gây sức ép lên giá. Sản lượng niên vụ 23/24 của Brazil được dự báo có thể đạt kỷ lục 162,8 triệu tấn, cao hơn 5,3% niên vụ trước. Cuộc khảo sát Emater cho thấy sản lượng niên vụ mới tại bang Rio Grande do Sul, bang sản xuất đậu tương lớn của Brazil, có thể đạt 22,44 triệu tấn, tăng 73% so với niên vu trước, nhờ El Nino với lượng mưa dồi dào ở khu vực phía Nam Brazil và diện tích trồng niên vụ mới dự báo tăng 1,3% so với niên vụ trước.
- Khô đậu tương đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm mạnh 1,6% do chịu ảnh hưởng của diễn biến giá đậu tương.
- Dầu đậu giảm nhẹ 0,19% trong bối cảnh nguồn cung từ biển Đen tiếp tục gây sức ép. Thặng dư xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu niên vụ 23/24 của Ukraine có thể đạt 50 triệu tấn với mức sản lượng 76 triệu tấn có thể được thu hoạch trong năm 2023.
NĂNG LƯỢNG
- Kết phiên 29/08, giá dầu đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần. Dầu WTI tăng 1,32% lên 81,16 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,24% chốt phiên sát mốc 82 USD/thùng.
- Lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với nguồn cung tại vùng vịnh Mexico khi cơn bão Idalia tấn công Florida trong tuần này đã hỗ trợ cho giá dầu. Bão Idalia được dự báo đạt cấp độ 3, bão lớn với sức gió ít nhất là 179 km/giờ trước khi đổ bộ vào Bờ Vịnh Florida ngày 30/08, có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ thống phân phối nhiên liệu và mức tiêu thụ nhiên liệu. Dù không tác động trực tiếp đến các giàn sản xuất dầu lớn, nhưng nguy cơ mất điện ngày càng tăng có thể khiến nguồn cung ứng tạm thời gián đoạn.
- Nguồn cung dầu Mỹ có tín hiệu thắt chặt trong tuần kết thúc ngày 25/08. Báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) sáng 30/08: tồn kho dầu thương mại ờ giảm mạnh 11,5 triệu thùng, dự báo giảm 3,3 triệu thùng. Giá dầu ngay lập tức bật tăng mạnh.
- Đồng USD giảm giá ngay sau báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu. Số lượng cơ hội việc làm mới giảm mạnh 638.000 xuống 8,827 triệu trong tháng 07/2023, mức thấp nhất trong ~ 2,5 năm, dự báo là 9,465 triệu. Thị trường lao động hạ nhiệt làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm dừng tăng lãi suất.
- Theo Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch: ~ 89% ý kiến cho rằng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9, tăng so với 78% trước khi dữ liệu công bố. Kỳ vọng này đã kéo đồng USD suy yếu và hỗ trợ giá dầu.
- Quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang có những động thái kích thích kinh tế, thúc đẩy lực mua đối với dầu thô. Các ngân hàng cho vay lớn thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc đang giảm lãi suất đối với phần lớn dư nợ của quốc gia này, nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của người cho vay.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc tăng mạnh 2,21% lên 24,78 USD/ounce, bạch kim tăng 1,43% lên 986,1 USD/ounce. Vàng tăng 0,91% lên 1.937,12 USD/ounce.
- Chỉ số Dollar Index đã đánh mất mốc 104 điểm sau khi dữ liệu việc làm tháng 07 giảm. Conference Board cho biết niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ giảm xuống 106,1 trong tháng 8, kỳ vọng là 116. Thị trường lao động hạ nhiệt, niềm tin người tiêu dùng suy yếu trước áp lực lãi suất cao, làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 9. Đồng USD suy yếu, bạc và bạch kim được hưởng lợi nhờ chi phí đầu tư bớt đắt đỏ hơn.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX tăng nhẹ trong phiên sáng, sau khi Bộ trưởng Tài chính và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường nền kinh tế thông qua hỗ trợ tài khóa và tăng tốc chi tiêu Chính phủ, nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế.
- Giá dần suy yếu do các biện pháp kích thích chỉ mang tính trấn an tâm lý nhà đầu tư, thực tế, cần một thời gian để các chính sách này phát huy hiệu quả.
- Phiên tối, giá tăng mạnh trở lại do đồng USD suy yếu sau khi dữ liệu lao động và niềm tin tiêu dùng của Mỹ được công bố, giúp giá đồng phục hồi 1,03% lên 3,79 USD/pound sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan