Tổng hợp tin tức ngày 16/03/2023.

  • Vĩ mô:

Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thế giới có thể vỡ nợ. Cụ thể, giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng, công cụ được sử dụng để bảo hiếm cho các khoản nợ của ngân hàng đã đạt mức cao kỷ lục. Các nhà chức trách Thụy Sỹ đã vào cuộc và cam kết hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng.

Tối nay Mỹ sẽ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, có ảnh hưởng phần nào tới quyết định tăng lãi suất của Fed. Hiện các dữ liệu gần đây đều cho thấy lạm phát Mỹ đã có phần hạ nhiệt, là tín hiệu khả quan về việc Fed sẽ hạ thấp mức tăng lãi suất xuống còn 25 điểm cơ bản. Nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên cho thấy thị trường lao động Mỹ gặp áp lực nhất định, củng cố khả năng Fed hạ thấp mức tăng lãi suất.

Nhận định: Đồng USD suy yếu sẽ hỗ trợ giá kim loại và năng lượng.

  • Kim loại:

Theo dữ liệu của Shanghai Metals Market, từ tháng 1 đến tháng 2, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu quặng đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy dấu hiệu nhu cầu tiêu thụ tăng tại nước này.

Nhận định: Triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho giá đồng.

  • Năng lượng:

ECB hiện đang cân nhắc về mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Rất nhiều thành viên của EU có nguy cơ bước vào suy thoái khi chi phí vay tăng lên trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Mức tăng này có thể là tin tức tiêu cực với triển vọng tiêu thụ dầu. Hơn nữa, IEA cũng đã dự báo về tình trạng thặng dư trong nửa đầu năm nay.

Nhận định: Khả năng suy thoái tại khu vực EU và thặng dư dầu trong nửa đầu 2023 là yếu tố khiến giá dầu giảm trong dài hạn.

  • Nông sản:

Nhiệt độ cao trong vòng 10-15 ngày qua ở Argentina tiếp tục ảnh hưởng tới vụ ngô của nước này. Tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt-tuyệt vời tiếp tục giảm 1% so với tuần trước, tỉ lệ ngô có chất lượng kém-rất kém tăng thêm 3%. Nhiều khả năng BAGE sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng ngô Argentina trong các báo cáo sắp tới.

Nhận định: Nguồn cung ngô Argentina giảm cùng với thông tin Brazil tập trung xuất khẩu đậu tương, giảm lượng ngô xuất khẩu, giúp ngô Mỹ có sức cạnh tranh trên thị trường sẽ hỗ trợ tạo đà tăng cho giá ngô.

Đức dự báo sản lượng lúa mì năm nay giảm 2.3% so với năm ngoái, do quỹ đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, cùng với đó là thời tiết diễn biến ngày một khắc nghiệt hơn. Điều này khiến nguồn cung lúa mì từ EU dự kiến sẽ bị thắt chặt hơn.

Ukraine từ chối yêu cầu của Nga về việc giảm thời hạn gia hạn 60 ngày. Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực đàm phán để hai bên đồng ý gia hạn thỏa thuận 120 ngày.

Nhận định: Nguồn cung lúa mì EU bị thắt chặt cùng với lo ngại khi thỏa thuận chưa được gia hạn khi chỉ còn 2 ngày nữa thỏa thuận chính thức hết hiệu lực sẽ tạo đà tăng cho giá lúa mì.

Nhu cầu của Trung Quốc suy yếu cùng với việc các lô hàng từ Brazil đang được đẩy mạnh, làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với nguồn cung từ Mỹ. Nếu như khối lượng bán hàng tối nay không đạt mức kì vọng thì sẽ càng củng cố triển vọng cạnh tranh suy yếu của đậu tương Mỹ.

Các nhà máy ép dầu đậu tương tại Argentina đang hoạt động với công suất thấp nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của đợt hạn hán khốc liệt. Mặc dù hoạt động thu hoạch đậu tương niên vụ 22/23 vẫn chưa diễn ra, nhưng nông dân Argentina đang lưỡng lự trong việc bán đậu tương, với lo ngại sản lượng năm nay thấp có thể khiến tồn kho cạn kiệt.

Nhận định: Triển vọng nhu cầu đậu tương Mỹ suy giảm khiến giá đậu tương giảm. Lo ngại thắt chặt cung dầu đậu tương tại Argentina sẽ hỗ trợ đà tăng cho giá dầu đậu tương.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]