Tổng hợp tin tức ngày 23/03/2023.
- Vĩ mô:
Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4.75 – 5.00%, đây cũng là lần tăng thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Mặc dù vẫn thể hiện quyết tâm chống lạm phát, những phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell cũng đã ôn hòa hơn khá nhiều.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí giá sản xuất đầu vào (PPI) tháng 2 của Anh tăng cao hơn dự báo, cho thấy áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Anh, có thể khiến cho Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Nhận định: Khả năng BOE tăng lãi suất khiến đồng Euro và Bảng Anh tiếp tục mạnh lên, có thể gây suy yếu đồng USD, hỗ trợ lực mua kim loại và năng lượng.
- Năng lượng:
Goldman Sachs cho biết nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng với nhu cầu dầu lên tới 16 triệu thùng mỗi ngày. Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay khi nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt.
Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vào tuần trước lên mức cao nhất trong gần hai năm theo báo cáo dầu thô hàng tuần của EIA.
Nhận định: Tồn kho dầu thô Mỹ tăng gây áp lực lên giá dầu trong ngắn hạn, trong khi đó triển vọng phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong dài hạn.
- Kim loại:
Nhu cầu đồng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới, đang được cải thiện do nhu cầu tiêu thụ tăng vào mùa cao điểm xây dựng, cùng với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhập khẩu quặng đồng và tinh quặng đồng của Trung Quốc trong tháng 2 tăng 9.95% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đồng tinh chế trong 2 tháng đầu năm cũng đã tăng 10.6% so với cùng kỳ năm ngoài.
Nhận định: Nhu cầu cải thiện tại Trung Quốc sẽ hỗ trợ đà tăng của giá đồng.
- Nông sản:
Vào giữa tháng 04, một số các khu vực của Ukraine dự kiến sẽ bắt đầu trồng ngô niên vụ mới. Dù vậy, theo một quan chức nông nghiệp cấp cao của Ukraine, sản lượng năm nay dự kiến thấp hơn 15.2% so với năm ngoái và thậm chí còn có thể giảm nhiều hơn. Điều này có thể khiến cho nguồn cung ngô từ khu vực biến Đen thắt chặt trong dài hạn.
Đối với báo cáo Export Sales tối nay, số liệu bán hàng ngô được kỳ vọng tăng mạnh do hàng loạt các đơn hàng của Trung Quốc.
Nhận định: Nguồn cung ngô Biển Đen thắt chặt sẽ khiến giá tăng mạnh trong dài hạn, trong khi bán hàng ngô Mỹ được dự báo tăng mạnh sẽ khiến giá tăng trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil (Abiove) mới đây đã nâng dự báo sản lượng đậu tương lên mức cao kỷ lục, đồng thời lo ngại đối với mùa vụ ở Argentina đang dần được xoa dịu nhờ thời tiết khô hạn kết thúc.
Nhận định: Triển vọng nới lỏng nguồn cung đậu tương toàn cầu sẽ gây áp lực lên giá đậu tương CBOT.
Bài viết liên quan