fbpx

Xét về dài hạn: Liệu giá đậu tương CBOT có gặp sức ép giảm mạnh mẽ đến từ nguồn cung Nam Mỹ hay không?

Trang chủ » Tin tức » Phân tích - Khuyến nghị » Xét về dài hạn: Liệu giá đậu tương CBOT có gặp sức ép giảm mạnh mẽ đến từ nguồn cung Nam Mỹ hay không?

Brazil và Mỹ đang là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu đậu tương lớn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nguồn cung Brazil đang dần thay thế phần lớn thị phần Mỹ tại Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn trên thế giới. Việc đánh giá các yếu tố liên quan đến chi phí sản xuất sẽ phản ánh rõ ràng lợi thế cạnh tranh giữa 2 quốc gia này.

  1. Nhu cầu của Trung Quốc

Lần đầu tiên, Brazil vượt qua Mỹ và trở thành nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới vào niên vụ 12/13. Kể từ sau niên vụ đó, tỷ trọng xuất khẩu đậu tương của quốc gia Nam Mỹ này liên tục được cải thiện, nhờ vào nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trong vòng 10 năm tới, Brazil sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là nhà xuất khẩu đậu tương số 1 thế giới với hơn 60% thị phần, tăng 10% lấy đi từ Mỹ.

Thời gian xuất khẩu cao điểm của Brazil thường tập trung vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7, khi Mỹ đang gieo trồng vụ mới. Đồng nội tệ Brazil suy yếu là nguyên nhân chính khiến khối lượng xuất khẩu đậu tương của Brazil sang Trung Quốc tăng từ 5,7 triệu tấn vào niên vụ 2004/05 lên 60,5 triệu tấn vào niên vụ 2021/22.

Đặc biệt, các lô hàng của Brazil liên tục được đẩy mạnh kể từ sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của nước này. Theo dữ liệu được thống kê từ USDA trong 3 niên vụ gần nhất, khoảng 70% đậu tương được Brazil xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi tỷ trọng của Mỹ là 56%

  1. Chi phí sản xuất đậu tương tại Mỹ và Brazil

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nguồn cung đậu tương đến từ Mỹ và Brazil là chi phí sản xuất. Theo USDA, tổng chi phí sản xuất đậu tương ở Mỹ và Brazil tăng lần lượt là 2,6% và 0,5% mỗi mẫu trong giai đoạn từ 10/11 đến 21/22.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí phân bón và đất đai liên tục tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Tại Brazil, chi phí phân bón tăng 16,8%, chi phí thuốc trừ sâu tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2022. Tuy nhiên, với lợi thế trồng hai vụ trở lên mỗi năm, Brazil có chi phí sử dụng đất thấp hơn đáng kể so với Mỹ do có thể phân bổ chi phí vào các loại cây trồng khác.

USDA ước tính, tổng chi phí sản đậu tương trung bình trong niên vụ 21/22 tại các trang trại của Brazil là 8,57 USD/giạ, thấp hơn so mức 9,85 USD/giạ của Mỹ. Trong đó, chi phí hạt giống là một trong số những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên.

Cả 2 quốc gia này đều sản xuất giống biến đổi gen (GM), tuy nhiên, nông dân Brazil được phép tự sản xuất loại giống trên, thay vì phải đặt mua từ các công ty phân phối hạt giống. Điều này đã giúp Brazil giảm thiểu được được đáng kể chi phí sản xuất.

  1. Chi phí vận chuyển

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần được xem xét khi đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu giữa Mỹ và Brazil. Tại Brazil, 60% đậu tương được vận chuyển thông qua đường bộ. Ngoài tuyến đường xuất khẩu chính, nước này cũng vận chuyển đậu tương qua đường sắt và đường thuỷ.

Kể từ sau niên vụ 12/13, chính phủ Brazil đã liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc – nơi bao gồm các cảng xuất khẩu chính – nhằm tối ưu hoá chi phí vận tải. Đồng thời, việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Brazil cũng khắc phục được tình trạng tắc nghẽn hậu cần do sản xuất nông nghiệp tăng nhanh ở khu vực Trung Tây.

 

Những cải tiến này đã hỗ trợ chi phí vận chuyển nội địa trung bình trong 5 năm qua từ bang Mato Grosso giảm xuống 77 USD/tấn, từ mức 98 USD/tấn, và góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của bang sản xuất đậu tương lớn nhất Brazil. Trong vòng 1 thập kỷ qua, xuất khẩu đậu tương từ khu vực phía Bắc Brazil đã tăng từ 6 lên 35 triệu tấn/năm. Con số này đã phản ánh tỷ trọng xuất khẩu đậu tương của Brazil vào năm 2022 đạt 28%, tăng gấp đôi so với năm 2010.

Trong khi đó, từ trước đến nay, Mỹ luôn có lợi thế cạnh tranh hơn khi chi phí vận chuyển của khu vực Heartland chỉ chiếm khoảng 23,2% tổng chi phí cập bến trong giai đoạn từ 17/18 đến 21/22, nhờ vào lợi thế gần các cảng biển. Tuy nhiên, lợi thế này đã dần bị thu hẹp do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển bằng đường thuỷ của Mỹ cao hơn so với Brazil, khi chi phí vận chuyển tại bang Mato Grosso và Paraná chiếm lần lượt 23% và 14,7%.

Như vậy, có thể nói rằng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu đậu tương của Mỹ và Brazil đang bị tác động bởi các yếu tố liên quan đến chi phí như: chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển. Những cải tiến đối với cơ sở hạ tầng của Brazil đã làm thay đổi đáng kể khả năng cạnh tranh giữa hai nhà xuất khẩu đậu tương lớn này. Thông qua việc đánh giá các yếu tố trên đã cho thấy đậu tương từ Brazil rõ ràng có lợi thế cạnh tranh hơn so với Mỹ. Đây là nguyên nhân khiến cơ cấu thị phần nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dần dịch chuyển sang nguồn cung Nam Mỹ, mặc dù Trung Quốc là đối tác nhập khẩu quan trọng của Mỹ. Nhu cầu sụt giảm sẽ tạo sức ép lên thương mại Mỹ trong dài hạn.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *